Quốc kỳ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 sau khi Đảng Cộng sản Trung Hoa kiểm soát đại lục và thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đôi khi quốc kỳ này được gọi là “Ngũ Tinh Hồng Kỳ”. Người thiết kế lá cờ đỏ năm sao là Tăng Liên Tùng. Trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hội nghị Trù bị của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Mới đã yêu cầu toàn quốc dự thảo quốc kì. Trong số vài ngàn bản dự thảo đã lựa chọn ra được đồ án quốc kỳ là lá cờ đỏ năm sao do Tăng Liên Tùng thiết kế. Ngày 27/9/1949, Hội nghị Toàn thể lần Thứ Nhất của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Toàn quốc đã thông qua quyết nghị: quốc kì của nước Cộng hòa Nhn dân Trung Hoa là lá cờ năm sao nền đỏ. Từ đó đã ra đời lá cờ quốc kỳ trang nghiêm mỹ lệ của nước Trung Quốc mới.
Vào trước năm 1949 nước Trung Hoa mới ra đời, trong lịch sử Trung Quốc từng xuất hiện những lá Quốc kỳ như thế nào?
Sau cuộc chiến tranh Nha Phiến năm 1840, các nước Phương Tây xâm lược Trung Quốc, trong các hoạt động ngoại giao đàm phán, ký điều ước, thông thương, cử quan chức ngoại giao … với các nước phương Tây, Lý Hồng Chương thấy phía các nước đó đều treo quốc kỳ trang nghiêm của nước họ, vậy mà phía Trung Quốc lại không có quốc kỳ để treo, ông ta cảm thấy mất đi vẻ “Uy nghi của triều đình”. Thế là ông ta liền tâu lên Từ Hy Thái Hậu. Bà Từ Hy liền lệnh cho Lý Hồng Chương bố trí cho người thiết kế đồ án Quốc kỳ. Sau đó Lý Hồng Chương dâng lên phương án các đồ án của Quốc kỳ gồm: cờ Bát quái, cờ Hoàng long, cờ Kỳ lân và cờ Hổ báo để bà Từ Hy lựa chọn. Năm 1862, bà Từ Hy quyết định sử dụng cờ mang đồ án Hoàng Long làm Quốc kỳ của triều đình nhà Thanh.
Hình con rồng màu vàng chính là tượng trưng cho Hoàng đế nhà Thanh, lấy hình con rồng vàng làm Quốc kỳ mang ý nghĩa là “Trẫm chính là quốc gia”.
Ngày 10 tháng 1 năm 1912, triều đình nhà Thanh bị lật đổ, cờ Hoàng Long cũng đã bị Chính phủ Trung Hoa dân quốc đổi thành cờ Thanh thiên bạch nhật.
Quốc kỳ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là lá cờ đỏ có năm ngôi sao. Lá cờ đỏ năm ngôi sao nom trang nghiêm mà giản dị. Mặt cờ màu đỏ hình chữ nhật, tỷ lệ giữa chiều dài và chiều cao là ba phần hai, năm ngôi sao năm cánh màu vàng được đặt ở góc trên bên trái, trong đó có một ngôi sao to hơn, bốn ngôi sao nhỏ hơn được trải thành vòng cung ở bên phải ngôi sao lớn, ngôi sao nào cũng có một góc chiếu thẳng vào trung tâm điểm của ngôi sao lớn.
Màu đỏ tượng trưng cho cách mạng. Tuy nhiên việc không công bố chính thức ý nghĩa của 5 ngôi sao nên điều này vẫn là điều bí ẩn và khiến mọi người hoài nghi, đồn đoán các giả thuyết.
– Năm ngôi sao tượng trưng cho sự đoàn kết của nhân dân cách mạng đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Trong đó bốn ngôi sao nhỏ tượng trưng cho lực lượng của cách mạng bao gồm giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị và tư sản dân tộc đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa là ngôi sao lớn.
– Ngôi sao lớn tượng trưng cho Trung Quốc, bốn ngôi sao nhỏ tượng trưng cho Đông di, Tây Nhung, Nam Man, Bắc Địch.
– Năm ngôi sao tượng trưng cho 5 dân tộc lớn ở Trung Quốc, ngôi sao lớn là Hán, 4 ngôi sao nhỏ là Hồi, Mông, Tạng, Mãn.
– Năm ngôi sao lớn tượng trưng cho đại lục, 4 ngôi sao nhỏ tượng trưng cho 4 khu tự trị.
“Hành khúc nghĩa dũng quân” (phồn thể: 義勇軍進行曲, giản thể: 义勇军进行曲) là quốc ca của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được nhà thơ và soạn giả ca kịch Điền Hán viết lời và Niếp Nhĩ phổ nhạc vào khoảng giữa giai đoạn Chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945). Bài này thuộc thể loại hành khúc.
Bài này lần đầu tiên được dùng làm quốc ca là trong một hội thảo quốc tế tổ chức tại Praha, Tiệp Khắc tháng 2 năm 1949. Vào thời gian đó Bắc Kinh vừa lọt vào tầm kiểm soát của những người cộng sản Trung Quốc. Lúc đó nổ ra một tranh luận xung quanh câu “Đất nước Trung Hoa đã gặp lúc hiểm nguy”. Nhà sử học Quách Mạt Nhược liền đổi câu trên thành “Dân tộc Trung Quốc đã đến hồi giải phóng”.
Ngày 27 tháng 9 năm 1949, toàn thể đại biểu của hội nghị Chính Hiệp nhất trí thông qua, trước khi xét định quốc ca của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, lấy bài “Hành khúc nghĩa dũng quân” làm quốc ca. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến không đồng ý đối với câu thứ ba. Khi đó Chu Ân Lai đưa ra đánh giá cuối cùng: “Trước mắt chúng ta vẫn còn kẻ thù đế quốc. Chúng ta càng tiến, kẻ thù sẽ càng tìm cách tấn công và phá hoại chúng ta. Liệu có thể nói là chúng ta sẽ không còn nguy hiểm không?” Quan điểm này được Mao Trạch Đông tán thành và vào ngày 27 tháng 9 năm 1949, bài này trở thành quốc ca tạm thời, chỉ vài ngày trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Đến kỳ họp thứ nhất quốc hội Trung Quốc khóa 5 vào năm 1978, lại thông qua việc chính thức lấy bài “Hành khúc nghĩa dũng quân” làm quốc ca.
Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Điền Hán bị bắt giam, và cũng vì thế mà bài “Hành khúc nghĩa dũng quân” cũng bị cấm hát; kết quả là trong giai đoạn đó bài “Đông phương hồng” được chọn làm quốc ca không chính thức.
“Hành khúc nghĩa dũng quân” được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc khôi phục lại vào năm 1978, nhưng với lời khác hẳn; tuy vậy, lời ca mới không được thông dụng lắm và thậm chí gây nhầm lẫn [1]. Vào ngày 4 tháng 12 năm 1982, Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc thống nhất chọn lại bản gốc năm 1935 của Điền Hán làm quốc ca chính thức. Điểm nổi bật trong lời hiện nay là không đề cập đến Đảng cộng sản Trung Quốc lẫn Mao Trạch Đông và việc quay lại lời ca cũ đánh dấu sự đi xuống của Hoa Quốc Phong và tệ sùng bái cá nhân đối với Mao cũng như uy thế đi lên của Đặng Tiểu Bình.
Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc công nhận bài này là quốc ca chính thức của CHNDTH trong bản sửa đổi năm 2004 của Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Phần quốc ca được đề cập ngay sau phần nói về quốc kỳ.
3. MẪU ĐƠN – QUỐC HOA CỦA TRUNG QUỐC
Mẫu đơn là loài hoa biểu tượng cho sự giàu có, vương giả và sắc đẹp và đặc biệt mẫu đơn được tôn vinh ở Trung Quốc, được người dân nơi đây chọn làm quốc hoa.
Mẫu đơn có nguồn gốc từ Trung Quốc và Tây Tạng, là một trong những cây hoa được con người biết đến từ rất sớm, cách đây đã gần 4000 năm. Khi những nhà truyền giáo đạo Phật đến Nhật Bản, họ đã đem theo kiến thức về những bông hoa Mẫu đơn này. Người Nhật luôn là một dân tộc yêu hoa, nên bông hoa đẹp mới đến nhanh chóng trở thành một phần trong văn hóa của họ. Mẫu đơn là bông hoa của Tháng Sáu ở Nhật Bản. Từ Trung Hoa và Nhật Bản, nó chu du sang tận đỉnh núi Olympus, tìm cho mình một cái tên.
Peony được đặt tên theo Paeon, một thầy thuốc học trò của Thần Y Asclepius trong thần thoại Hy Lạp.Ông được nữ thần Leto (mẹ của thần Mặt Trời Apollo) mách bảo cách lấy được chiếc rễ thần kỳ mọc trên đỉnh Olympus mà nó có thể xoa dịu được cơn đau của người phụ nữ khi sanh nở. Asclepius trở nên ghen tức với Paeon. Để cứu Paeon thoát chết vì sự phẫn nộ của Asclepius, thần Zeus đã biến ông thành một bông Mẫu đơn là biểu tượng của sự thịnh vượng, phồn vinh. Từ xa xưa, loài hoa vương giả này chỉ thuộc sở hữu của giới quý tộc giàu có ở Trung Quốc. Bông hoa quốc sắc thiên hương này từng rất được ưu ái qua nhiều triều đại, với mệnh danh “Chúa của muôn hoa”.
Ngày xưa, khi treo một bức tranh hoa mẫu đơn màu hồng hoặc màu đỏ trong nhà có nghĩa là gia đình đó có những cô gái trẻ đang độ xuân thì. Có khá nhìều sự tích về hoa mẫu đơn. Chẳng hạn, câu chuyện về Bạch Mẫu Đơn, nàng tiên rất giỏi về nghệ thuật tình ái, hay những tương truyền về Dương Quý Phi, một người đẹp nghiêng nước nghiêng thành đã dùng hoa mẫu đơn trang trí trong phòng để thu hút sự đam mê và thường xuyên lui tới của Đường Minh Hoàng. Thành phố cổ nổi tiếng Lạc Dương của Trung Quốc có danh tiếng như là trung tâm nuôi trồng các loài mẫu đơn. Trong lịch sử Trung Quốc, mẫu đơn của Lạc Dương luôn được coi là đẹp nhất. Hàng loạt các cuộc triển lãm hoa mẫu đơn cũng được tổ chức ở đây hàng năm. Mẫu đơn cũng là loài hoa biểu trưng của bang Indiana từ năm 1957.