Đôi khi chúng ta thường tự hỏi, những năm tháng rung động đầu đời của mình liệu còn vẹn nguyên trong trí nhớ hay không? Câu trả lời có lẽ nằm trong những thước phim nhẹ nhàng và sâu lắng của Mắt biếc.
Trailer chính thức của bộ phim Mắt biếc
Từ tác phẩm văn học trở thành bộ phim được yêu thích trên màn ảnh rộng
Đây là tác phẩm thứ ba của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim sau thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cô gái đến từ hôm qua.
Mắt biếc được chỉ đạo sản xuất và dẫn dắt bởi đạo diễn Victor Vũ, nhà làm phim nổi tiếng với các tựa phim như Quả tim máu, Người bất tử, Cô dâu đại chiến,…
Bộ phim trung thành với tác phẩm nguyên tác cùng tên, câu chuyện mở ra dưới góc nhìn của nhân vật Ngạn, xoay quanh bối cảnh từ ở làng Đo Đo nhỏ bé, nghèo khó khi cậu còn bé thơ đến lúc trở thành một trang thiếu niên tuổi mười lăm bắt đầu bước chân lên thành phố học và rồi kết thúc là hình ảnh một Ngạn ở tuổi trung niên.
Ngạn đã đem lòng yêu mến đôi mắt xinh đẹp của Hà Lan ngay từ lần đầu gặp gỡ khi cậu bé mới chỉ là chú nhóc cấp một. Thuở đó Ngạn chưa gọi Mắt Biếc là Mắt Biếc, cậu chỉ biết một điều là phải bảo vệ cô bạn gái thân thiết đầu tiên của mình.
Những tình cảm chân thành đó nằm trong trái tim Ngạn đến tận mãi sau này mà cậu không hề ngờ tới. Đó là cách để diễn biến tâm lý và suy nghĩ của Ngạn dần trưởng thành, đau đớn nhưng vượt qua được chính bản thân mình.
Với bất cứ ai từng đọc tiểu thuyết thì đều có thể hiểu và thấy rõ hầu hết các tình tiết trong truyện đều được đưa lên màn ảnh lớn. Còn với những ai lần đầu đến với tác phẩm Mắt biếc, câu chuyện về Ngạn và Hà Lan sẽ đem lại những cảm xúc đáng mong đợi, đủ khiến người xem lặng người và khóc thương cho số phận của các nhân vật.
Những thước phim với tiết tấu chậm rãi đi vào lòng khán giả của Mắt biếc
Với thời lượng gần hai tiếng đồng hồ, Mắt biếc tuy không đủ để diễn tả toàn bộ phần tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan ở làng Đo Đo nhưng cũng đủ để khiến người xem hiểu được tình cảm và sự gắn bó của hai nhân vật với mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên.
Những năm tháng hồn nhiên tươi đẹp thuở thiếu thời của hai người bạn dần trôi qua. Ngạn vẫn âm thầm yêu thương và trân trọng Hà Lan với thứ tình cảm đơn thuần và chân thành nhất.
Mọi biến cố bắt đầu xảy ra khi cả hai lên thành phố để tiếp tục việc học hành của mình. Tuổi trường thành ập đến, thay đổi Ngạn và Hà Lan với hai tư duy khác biệt về cả lối sống và lý tưởng.
Theo dõi Mắt biếc, khán giả sẽ nhìn thấy một Ngạn chung tình đến mức có thể bị gọi là ngốc nghếch. Cậu kiên nhẫn, đè nén tình cảm của mình và âm thầm ở bên cạnh bảo vệ Hà Lan khi cô vấp ngã lần đầu tiên trong đời, bị mọi người xa lánh vì chửa hoang, buộc phải bỏ học.
Rồi cậu trở thành một người cha bất đắc dĩ, chăm sóc cho cô con gái Trà Long của Hà Lan, không yêu thương thêm bất kì một hình bóng người con gái nào khác, kể cả tới khi từ một cậu thiếu niên trở thành người đàn ông ba lăm tuổi trầm ổn.
Có những người sẽ ngưỡng mộ tình cảm sâu đậm mà Ngạn dành cho Hà Lan nhưng cũng có người cho rằng Ngạn rất ngu ngốc, đuổi theo một người mãi mãi không ngoái lại nhìn mình dù một lần.
Ai cũng đều có thể đưa ra những lời nhận xét nhưng Ngạn là Ngạn, là người yêu làng Đo Đo và yêu cả cô gái từng thuộc về ngôi làng thân yêu của mình. Chẳng ai có thể hiểu vì sao Ngạn mãi không thể thoát ra được đôi mắt biếc đó, thậm chí ngay cả bản thân cậu cũng không tài nào hiểu nổi.
Chúng ta chỉ có thể biết rằng, Ngạn với tính cách nhút nhát của mình đã bỏ lỡ cơ hội được bày tỏ tình cảm với người con gái cậu nhất mực yêu thương. Ngay cả những khi cậu đã cùng Hà Lan lên thành phố, cậu cũng không thể tìm được cách nói chuyện và thấu hiểu được cô.
Khi Hà Lan bị Dũng, người anh họ của Ngạn, dành mất, Ngạn cũng không đủ dũng cảm đứng lên bảo vệ tình yêu của mình, giữ lấy người mà mình yêu.
Cậu chỉ có thể vô vọng nhìn Hà Lan đau khổ vì Dũng, cho dù những nắm đấm cùa cậu hướng đến Dũng đầy mạnh mẽ nhưng tình yêu cậu dành cho Hà Lan lại chẳng thể được rành mạch và thẳng thắn như nắm đấm đó.
Có thể nói, tình yêu của Ngạn là một tình yêu trong trẻo nhưng đầy tuyệt vọng. Vậy nên giọt nước mắt tiếc nuối là kết quả tất yếu cậu phải nhận về mình.
Còn Hà Lan, có thể nhiều khán giả đọc nguyên tác và xem phim đều sẽ ghét cô, một người con gái vì ham mê đô thị phồn hoa mà bỏ lỡ người yêu thương mình thật lòng, một người con gái sẵn sàng chạy theo những lời hoa mỹ, những thứ mới lạ để rồi vấp sai lầm.
Thế nhưng chúng ta không phải là Hà Lan, không phải là cô gái hụt hẫng nơi đồi Sim khi chàng trai mình thương không dám ngỏ lời, cũng không phải là cô gái phải đóng kín cửa trốn cả thế giới khi không chồng mà chửa, đánh mất cả tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người.
Chỉ có Hà Lan mới cảm nhận được hết tất cả những cảm xúc đó, những nỗi đau, những hối hận vì tuổi trẻ nông nổi khi nhìn cô con gái ngày một lớn dần, chỉ có Hà Lan mới biết lòng mình có bao đau khổ và nuối tiếc khi chàng trai luôn bên cạnh sẵn sàng yêu thương mình rời đi.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Ngạn và Trà Long, cô con gái của Hà Lan, về sau này cũng thu hút được sự chú ý của khán giả. Giống như Hà Lan, Trà Long lớn lên ở làng Đo Đo, tuổi thơ của cô bé gắn liền với từng khoảng sân góc trời của ngôi làng và với hình ảnh một người vô cùng thân thương, đó là Ngạn.
Chính vì thế mà từ tình cảm yêu mến dành cho người thân, Trà Long dần có sự thương nhớ sâu sắc hơn dành cho chú Ngạn khi em đã trở thành một cô thiếu nữ mười tám đôi mươi.
Song những gì mà Ngạn dành cho Trà Long là một tình thương đặc biệt ngay từ lúc cô bé mới lọt lòng mẹ. Đó là tình cảm của một người cha, một người anh dành cho cô bé đã phải chịu nhiều uất ức, cô đơn và buồn đau từ nhỏ này.
Nhịp phim Mắt biếc diễn ra chậm rãi, rành mạch, phân chia từng giai đoạn rõ ràng hoàn toàn khiến người xem cảm nhận được sợi dây liền mạch cảm xúc xuyên suốt bộ phim. Cho dù là những người đã biết rõ nội dung tác phẩm nhưng vẫn không thể rời mắt khỏi màn hình dù một giây.
Bởi có lẽ cảm xúc của chúng ta đã bị Mắt biếc cuốn hút và thâu tóm vào trong từng phân cảnh mất rồi.
Những điểm mới trong phim điện ảnh Mắt biếc
Đạo diễn Victor Vũ quả thực vô cùng sáng tạo và tài năng khi ông vẫn tôn trọng nguyên tác nhưng lại thêm vào một vài biến tấu và thay đổi vô cùng duyên dáng cũng như để tăng sự nhịp nhàng cho tác phẩm.
Đầu tiên phải kể đến sự xuất hiện của nhân vật Hồng. Đây rõ ràng là một nhân vật không hề có mặt trong trang sách của Nguyễn Nhật Ánh mà đã được nhà sản xuất và biên kịch thêm thắt vào bộ phim.
Trong một bộ phim dường như chỉ toàn những nốt trầm buồn thì Hồng giống như những ánh nắng hiếm hoi giữa mùa đông lạnh lẽo, mang lại một vẻ tươi sáng và hài hước, góp phần mang đến góc nhìn khách quan hơn cho mối tình đơn phương của Ngạn.
Mặc dù Hồng yêu thầm Ngạn suốt ba lăm năm trời và tình yêu của cô cũng không được hồi đáp nhưng người ta vẫn có thể thấy một Hồng quyết đoán và mạnh mẽ khi quyết định chấm dứt mối chờ đợi dành cho Ngạn vào cái ngày cô rời khỏi làng Đo Đo.
Bên cạnh đó, nhân vật Hà Lan cũng đã được Victor Vũ xây dựng một cách có chiều sâu hơn trên nguyên tác.
Nếu như trong những trang văn, người đọc thấy một Hà Lan nông nổi, trẻ con và dường như không có một chút tình cảm nào hơn tình bạn dành cho Ngạn thì khi lên phim, có lẽ Victor Vũ muốn tạo thêm những nút thắt hợp lý hơn cho mạch phát triển tình cảm của các tuyến nhân vật nên Hà Lan với một vài nét thay đổi trong tình cảm và suy nghĩ đã đẩy tác phẩm theo một góc nhìn mới.
Hà Lan trong suốt khoảng thời gian thơ ấu của mình đến lúc trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp với đôi mắt biếc đã luôn ở bên cạnh Ngạn không rời, cùng nhau trải qua những năm tháng tươi đẹp nhất.
Chính vì vậy việc Hà Lan có tình cảm với Ngạn dù ít hay nhiều cũng là điều không thể phủ nhận. Chắc hẳn sau khi xem xong bộ phim, khán giả không thể nảo quên cảnh chia tay giữa Ngạn và Hà Lan trên đồi Sim tím, trước khi Hà Lan lên thành phố sớm hơn Ngạn.
Có lẽ đó là một phân cảnh mà Hà Lan thể hiện rõ nhất cảm tình dành cho người bạn thân của mình. Từ ánh nhìn, giọng nói, cử chỉ, tất cả đều toát lên vẻ chân thành ngại ngùng của cô thiếu nữ mới lớn.
Điều đáng tiếc là Ngạn không nhận ra điều đó. Cậu với dáng vẻ nhút nhát và lo lắng đầy vụng về đã để vuột mất một khoảnh khắc đáng giá, khoảnh khắc duy nhất trong cuộc đời Ngạn có thể có cơ hội giữ lấy tình yêu của đời mình.
Diễn biến tâm lý của Hà Lan sau biến cố cũng hoàn toàn được đẩy sâu hơn, sát sao hơn, hoàn toàn cho người xem nhận ra sự thay đổi từ một cô gái vui tươi, hồn nhiên nay đã trở nên trầm tư, vùi đầu vào công việc để cố gắng bắt đầu lại từ đầu.
Những suy nghĩ nhìn nhận vị trí dành cho Ngạn cũng dần thay đổi, Hà Lan biết ơn cậu, trân quý cậu nhưng cô cho rằng cả hai không thể tiến tới xa hơn khoảng cách bạn bè được nữa.
Cái kết mở của bộ phim cũng là một trong những thay đổi lớn so với nguyên tác, một cánh cửa còn bỏ ngỏ cho mối tình của Ngạn dành cho Hà Lan sau mấy chục năm ôm một bóng hình mãi không quên.
Dàn diễn viên trẻ xuất sắc là nhân tố làm nên thành công của Mắt biếc
Với những độc giả coi những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh như là sách gối đầu giường thì đều tò mò và mường tượng hình ảnh những nhân vật trong các câu chuyện sẽ như thế nào khi bước ra ngoài đời thực.
Có thể nói về điểm này thì dàn diễn viên của Mắt biếc hoàn toàn chiếm trọn tình cảm và sự yêu mến của khán giả. Mặc dù họ đều là những gương mặt trẻ trong làng điện ảnh song diễn xuất của tất cả các diễn viên đều vô cùng tròn vai, mang đến các nhân vật sinh động như thể họ chính là Ngạn, Hà Lan, Trà Long trong trí tưởng tượng của độc giả.
Trần Nghĩa thành công mang đến hình ảnh một Ngạn si tình, trẻ trung, nhiệt huyết và chân thành khi còn khoác áo đồng phục, đĩnh đạc, trầm ổn và sâu sắc hơn khi vào tuổi trung niên.
Ngạn của Trần Nghĩa đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả khi chứng kiến chuyện tình chân thành đầy éo le. Hình ảnh Ngạn với những diễn biến tâm trạng thay đổi theo thời gian nhưng vẫn luôn cất giữ và ôm trọn tình yêu dành cho Hà Lan vẹn nguyên trong trái tim cậu.
Rõ ràng đây là một nhân vật khó nhằn, để có thể lột tả được tình cảm Ngạn dành cho Hà Lan nhưng lại không hề quá phô trương, điều đó phải được chú trọng qua từng cử chỉ, ánh mắt và cách nói chuyện đặc biệt mà chỉ có Ngạn mới có.
Ngoài ra giọng lồng tiếng nhân vật Ngạn của Phạm Đình Thái Ngân cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy cảm xúc của khán giả. Với âm giọng trầm ấm, nhẹ nhàng vào khoảnh khắc Ngạn cầm đàn và cất tiếng hát đã đưa đẩy tâm trí người xem chìm đắm hoàn toàn vào Mắt biếc.
Trúc Anh thì lại thể hiện được một Hà Lan vô cùng xinh đẹp, rạng ngời, với đôi mắt biếc sâu thẳm như làn nước mùa thu, toát lên vẻ đẹp man mác buồn.
Lần đầu đảm nhiệm vai chính trong một tác phẩm điện ảnh, Trúc Anh đã lột tả tròn trịa Hà Lan tuổi mới lớn, hồn nhiên trước ngày gặp Dũng và lên học ở thành phố.
Điểm đặc biệt là phân cảnh khi Hà Lan trở dạ sinh con gái, với một cô gái còn trẻ tuổi như Trúc Anh, để diễn được hình ảnh người con gái bị phản bội, phải sinh con một mình là điều vô cùng khó khăn.
Tuy vậy nhưng những biểu cảm đau đớn, tiếng rên và những hành động đã được Trúc Anh diễn đạt đầy đủ và lắng đọng lại rõ ràng mạch cảm xúc trong lòng người xem.
Mặc dù đến khi Hà Lan vào tuổi trung niên, Trúc Anh bị hụt hơi và phải cố gắng gồng mình với diễn xuất hơi gượng gạo, thiếu đa dạng và không thể toát lên được cảm xúc của Hà Lan tuổi xế chiều.
Trúc Anh còn trẻ tuổi và với những gì cô đã làm được trong vai chính đầu tiên, người hâm mộ vẫn phải dành cho cô một lời khen và tin rằng trong tương lai cô sẽ còn gặt hái được nhiều bước tiến mới.
Trái ngược với hình ảnh Hà Lan buồn bã cô đơn khi trung niên, Trà Long của Khánh Vân mang đến niềm vui cho cuộc đời Ngạn và cho cả phần còn lại của Mắt biếc.
Với dáng vẻ xinh xắn và gương mặt rạng rỡ của Khánh Vân giúp cô hoá thân trọn vẹn vào nhân vật, có những phân cảnh thậm chí còn lu mờ được cả Hà Lan.
Trà Long là một nhân vật đặc biệt, sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh éo le, không có bố và mẹ thì luôn bận rộn với công việc trên thành phố.
T uy vậy nhưng em lại không phải là nhân vật quá phức tạp, khi mọi suy nghĩ và cảm xúc của em đều được bộc lộ một cách thẳng thắn trên gương mặt và cách nói chuyện.
Chính điều đó giúp Khánh Vân dễ dàng nắm bắt nhân vật, hiểu được tính cách đặc trưng mà mình cần phải thể hiện trên màn ảnh là gì.
Còn anh chàng Dũng “bad boy” của Trần Phong và Hồng của Thảo Tâm đều là những nhân vật thú vị, có diễn xuất ấn tượng.
Đặc biệt là Dũng, người chịu trách nhiệm chính cho biến cố của cuộc đời Hà Lan, mặc dù có thể thấy anh là một chàng trai bất cần và quậy phá nhưng anh cũng đã cố gắng để trở thành một người đàn ông có trách nhiệm với Hà Lan.
Có thể thấy mỗi vai diễn dường như đã được đo ni đóng giày cho dàn diễn viên trẻ đầy tiềm năng và sáng tạo này. Đối với đạo diễn Victor Vũ, điều đau đầu nhất khi thực hiện Mắt Biếc ngoài việc xây dựng kịch bản là làm sao chọn lựa các diễn viên phù hợp.
Âm nhạc và hình ảnh đỉnh cao của bộ phim
Về phần âm nhạc, chắc hẳn ai cũng đều đã lắng nghe ca khúc Có chàng trai viết lên cây của ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh được ra mắt trước Mắt biếc vài tháng. Hầu hết khán giả đều đánh giả phần âm nhạc đặc biệt xuất sắc khi mỗi cảnh quay thì luôn có phần nhạc nền đều phù hợp và đẩy cảm xúc đến cao trào.
Bên cạnh đó những ca khúc như Từ đó, Tôi chỉ muốn nói vang lên khiến cho mọi khán giả như bị hút vào những lời ca chân thật và mộc mạc của chàng trai suốt cả một đời chẳng dành nổi cái liếc mắt dành cho ai khác ngoài cô gái trong lòng.
Không chỉ có phần nhạc Việt, xuyên suốt tác phẩm, khán giả còn được chiêu đãi hàng loạt nhạc phẩm của thập niên bảy mươi giúp khắc hoạ bối cảnh một cách sinh động. Nhà soạn nhạc Christopher Wong thêm một lần nữa đem đến phần nhạc nền nhiều sắc thái, độc đáo và đầy ấn tượng.
Phần nhạc kết hợp với phần hình tạo nên những cảnh quay duy mĩ và đầy tính nghệ thuật, thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp từ truyền thống đến hiện đại của Việt Nam.
Đó là vẻ đẹp trong trẻo của ngôi làng Đo Đo, nơi có những phiên chợ đậm nét văn hoá Việt, đồi Sim tím đầy mộng mơ, tươi đẹp đến những khung cảnh thành phố Huế tấp nập, nhộn nhịp, bên dòng sông Hương hiền hoà, hình ảnh những di tích lịch sử như Cố Đô Huể được lồng ghép vô cùng khéo léo.
Đạo diễn Victor Vũ đã thực sự dành trọn vẹn tâm huyết dành cho bộ phim khi mỗi khung hình hiện lên đều lột tả rõ sự tỉ mỉ, chăm chút của cả đoàn phim Mắt biếc nói chung và đạo diễn nói riêng.
Sau tám ngày công chiếu thì Mắt biếc đã chạm đến doanh thu một trăm tỷ. Đông đảo giới chuyên môn và khán giả đều cho rằng bộ phim là cú hit phòng vé cuối cùng của điện ảnh Việt năm 2019.
Những gì mà Mắt biếc đọng lại trong lòng khán giả
Sau khi khép lại bộ phim, có lẽ câu thoại đầy thấm thía mà mỗi chúng ta đều nhớ nhất chính là câu nói mà Trà Long đã nói với Hà Lan, thúc đẩy cô nhìn thẳng vào tình cảm và trái tim của mình.
“Đời người có hai thứ đừng nên bỏ lỡ, một là chuyến xe cuối cùng, hai là người thương mình thật lòng”.
Hình ảnh đoạn kết khi Hà Lan đọc xong bức thư của Ngạn và cố gắng đuổi theo trong tuyệt vọng dường như đã khiến người xem không ngừng thở dài và thốt lên những tiếng đầy luyến tiếc.
Vậy là Hà Lan đã bỏ lỡ cả chuyến xe cuối cùng và cả người yêu thương cô thật lòng.
Có thể khẳng định đây là một tác phẩm thấm đẫm sự nuối tiếc. Cho dù đoạn kết đã được thay đổi để giảm bớt đi sự nặng nề như trong nguyên tác song với những người hâm mộ đã hiểu rõ tâm lý và cảm xúc của cả Ngạn và Hà Lan thì vẫn cảm thấy rõ ràng đó là sự chia ly thật sự trong mối quan hệ của hai người.
Cách thể hiện nhẹ nhàng, ít kịch tính của phim vẫn có thể tạo được động lực ngầm cho khán giả. Khi nhìn vào tình yêu vô vọng của Ngạn, vào những vấp ngã của Hà Lan, chúng ta có thể thấy rõ một thông điệp, rằng cuộc đời ngắn lắm, yêu thì hãy hành động ngay đi.
Quả thực Mắt biếc vẫn là một tác phẩm, một cái kết buồn và dằng xé dành cho những tình yêu đơn phương. Tuy vậy chúng ta vẫn nhìn thấy đâu đó những vẻ đẹp của sự chân thành, hy sinh và tình yêu thương giữa con người với con người.
Nếu như bạn muốn tìm kiếm một bộ phim để lắng đọng lại những ngày tháng cuối cùng trước khi kết thúc một năm thì hãy chọn Mắt biếc để được nhìn sâu vào trong cảm xúc của mình và tìm lại những ngày tháng tuổi trẻ đáng quý nhất.