(Trích từ cuốn “Phương pháp Nghiên cứu khoa học” Tác giả: Nguyễn Đăng Bình và Nguyễn Văn Dự Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, 2010
Đề cương nghiên cứu (Research Proposal) là một tài liệu khoa học được công bố ở giai đoạn khởi đầu của một nghiên cứu. Với các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, luận văn tốt nghiệp của học viên cao học hay luận án của nghiên cứu sinh, đề cương nghiên cứu có vai trò như một báo cáo xin phép được triển khai nghiên cứu.
1. Mục đích, chức năng của đề cương
Một đề cương nghiên cứu có mục đích cơ bản là nhằm thuyết phục người đọc rằng, tác giả có một đề xuất nghiên cứu đáng giá (so với yêu cầu của cấp độ nghiên cứu đang đưa ra), có tính cạnh tranh và có một kế hoạch bài bản để đảm bảo hoàn thành nghiên cứu. Do vậy, một đề cương nghiên cứu cần bao gồm các yếu tố cần thiết để người đọc có thể đánh giá đề xuất nghiên cứu được trình bày. Các yếu tố này nhằm trả lời cho các câu hỏi: Vấn đề nghiên cứu là gì? Kế hoạch nghiên cứu ra sao? Tại sao cần tiến hành như vậy? Làm thế nào để thực hiện kế hoạch đó?
Các lý do căn bản để người làm nghiên cứu cần và nên viết đề cương nghiên cứu bao gồm:
Vì những lý do trên, các tổ chức quản lý hay cấp phép nghiên cứu luôn yêu cầu người dự định triển khai nghiên cứu phải làm đề cương.
Một đề cương nghiên cứu có ba chức năng chính (theo Locke et al. 1993, tr. 3-5), bao gồm:
Hãy lưu ý rằng, bất kỳ đề cương nghiên cứu nào cũng bao gồm các kế hoạch dự định làm, các kết quả mong muốn sẽ đạt được. Vì vậy, người viết phải trình bày sao cho những người đọc thấy những dự định, đề xuất không quá đơn giản, nhưng cũng không viển vông.
2. Cấu trúc của đề cương
Mỗi quốc gia, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo thường có những quy định khá cụ thể về đề cương nghiên cứu. Các quy định này có thể có các yêu cầu chi tiết khác nhau, nhưng nói chung, các đề cương nghiên cứu thường cần có các phần cơ bản sau đây:
– Tiêu đề: tên của nghiên cứu; tên tác giả;– Giới thiệu– Mục tiêu của nghiên cứu– Dự kiến các kết quả đạt được– Phương pháp và phương pháp luận– Các công cụ, thiết bị cần thiết cho nghiên cứu– Kế hoạch thực hiện
Tiêu đề. Nguyên tắc chung để đặt tiêu đề (tên nghiên cứu) là cần chắc chắn về những gì dự định làm, vấn đề gì cần nghiên cứu để giải quyết. Tiêu đề phải bao gồm những từ chuyên môn thông dụng của lĩnh vực nghiên cứu, mô tả được công việc dự định thực hiện. Tiêu đề cần súc tích, ngắn gọn, tránh những cụm từ chung chung như “một nghiên cứu về…”, “một khảo sát về…” v.v… Trong kỹ thuật, nên sử dụng các cụm từ mô trả quan hệ chức năng, bởi chúng phản ánh một cách rõ ràng các biến độc lập và phụ thuộc. Tiêu đề nên chứa những từ khóa chính phản ảnh vấn đề và hướng giải quyết để sau này, người đọc có thể dễ dàng tìm thấy đề tài trong các kho lưu trữ. Những từ này cần được chọn sao cho chúng mô tả chính xác các yếu tố (các biến nghiên cứu) chính, dạng nghiên cứu và mục đích của nghiên cứu.
Lưu ý rằng, tổng quan tài liệu trong đề cương có ý nghĩa làm nổi bật vai trò, vị trí của nghiên cứu mới (có đóng góp gì thêm, đề xuất cách tiếp cận mới… so với các nghiên cứu đã có). Vì vậy, nếu có nhiều thông tin tham khảo cần trích dẫn, mới nên tách thông tin tổng quan thành một mục nhỏ. Nói chung, chỉ nên trình bày thông tin tổng quan trong phần giới thiệu như là cơ sở đề xuất vấn đề nghiên cứu.
Mục tiêu của nghiên cứu. Phần này trình bày mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể mà nghiên cứu nhắm đến. Các mục tiêu nên dùng động từ hành động để chỉ rõ nghiên cứu dự định làm gì. Cần trình bày được thông số sẽ dùng để đánh giá mục tiêu. Mục tiêu chung được trình bày trước. Sau đó, các mục tiêu cụ thể để đạt được mục tiêu chính sẽ được trình bày sau. Các mục tiêu cụ thể nên được trình bày ngắn gọn, mỗi mục tiêu một dòng và được đánh số thứ tự.
Ví dụ:
Đề tài này đặt mục tiêu chính là qua phân tích động lực học của cơ cấu RLC, cải thiện được hiệu năng của cơ cấu. Hiệu năng được đánh giá qua khả năng hệ thống thắng được lực cản ma sát lớn hơn, cho tốc độ di chuyển lớn hơn so với cơ cấu cũ.
Các mục tiêu cụ thể là:
đặc tính động lực học của cơ cấu RLC 07 để tìm ra khả năng tiếp tục cải tiến cơ cấu này;
2. Thiết kế, chế tạo hệ thống cơ cấu cải tiến để tiến hành thí nghiệm khảo sát và so sánh hiệu năng với cơ cấu cũ;
3. Tiến hành thí nghiệm để phân tích, đánh giá các đặc tính động lực học chính của cơ hệ mới nhằm tiếp tục phát triển, hoàn thiện và hiện thực hóa ứng dụng của nó;
Kết quả dự kiến. Phần này trình bày các kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ đạt được. Các kết quả này được cụ thể hóa từ các mục tiêu cụ thể của nghiên cứu đã trình bày ở phần trước. Các kết quả dự kiến đạt được cần bám sát theo từng mục tiêu đã đặt ra. Kết quả có thể được mô tả bằng danh từ chỉ sản phẩm đạt được hoặc động từ chỉ hành động sẽ được thực hiện.
Ví dụ:
1. Phân tích và khai thác được đặc tính động lực học của cơ hệ để xây dựng được mô hình cơ cấu rung mới;2. Thiết kế, chế tạo và vận hành thành công cơ cấu rung va đập mới;3. Thiết kế và thực thi được các bộ thí nghiệm khẳng định ưu việt của mô hình mới; Các kết quả thí nghiệm sẽ được phân tích, so sánh với mô hình cũ…
Phương pháp và phương pháp luận. Trong phần này, nên trình bày các phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu cơ bản. Đừng quá băn khoăn về thuật ngữ “phương pháp luận” ở đây. Có thể hiểu “Phương pháp luận” là một kế hoạch triển khai các công cụ cần thiết để thực hiện nghiên cứu này. Cũng nên và cần giải thích tại sao lại sử dụng các công cụ đó.
Trước hết, hãy xem xét vấn đề nghiên cứu có thể giải quyết bằng cách tiếp cận nào: định tính hay định lượng. Hầu hết các nghiên cứu trong kỹ thuật thường sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định lượng thường được chia nhỏ thành các cách tiếp cận: Nghiên cứu suy luận (inferential), nghiên cứu thí nghiệm/ thực nghiệm (Experimental) và nghiên cứu mô phỏng (Simulation). Hãy xem lại chương một của tài liệu này để xác định rõ, nghiên cứu của bạn thuộc loại nào.
Thứ hai, cần tránh lạm dụng thuật ngữ “Kết hợp nghiên cứu lý thuyết với nghiên cứu thực nghiệm…”. Hãy lưu ý rằng, việc tìm hiểu và nắm vững lý thuyết cơ bản để hiểu rõ vấn đề và cách thức tiến hành nghiên cứu thì không được gọi là nghiên cứu. Trong các thuật ngữ, cũng không có khái niệm “nghiên cứu lý thuyết” mà chỉ có dạng nghiên cứu cơ bản (Basic research) hay nghiên cứu thuần túy (Pure research).
Các ý chính cần trình bày về phương pháp nghiên cứu bao gồm:
– Mô tả các hoạt động cụ thể để đạt được từng mục tiêu như đã trình bày ở phần “Mục tiêu nghiên cứu”;
– Làm cho người đọc thấy rõ, nghiên cứu cần thực hiện các phương pháp nào để thu thập dữ liệu. Cần trình bày rõ, dữ liệu nghiên cứu được đo định lượng từ các thí nghiệm, hay khảo sát đánh giá ý kiến, phiếu khảo sát…
– Nêu rõ phương pháp dự định dùng để xử lý dữ liệu thí nghiệm;
– Lý giải tại sao chọn phương pháp này mà không chọn các phương pháp khác.
Các công cụ, thiết bị nghiên cứu. Phần này trình bày các công cụ, các thiết bị cần thiết để thực hiện các phương pháp nghiên cứu đã nêu. Với các thiết bị đo, nếu có thể, nên nêu yêu cầu về độ chính xác, thang đo, độ phân giải… Cũng cần nêu rõ, thiết bị đã sẵn có hay chờ mua sau khi nghiên cứu được duyệt. Các giải thích này sẽ cung cấp các thông tin cần thiết để những người đọc, người đánh giá đề cương có thể góp ý cho tác giả về cách chọn thiết bị hay tư vấn thêm.
Kế hoạch thực hiện. Căn cứ vào khối lượng nghiên cứu đã dự kiến và khung thời gian đã định, tác giả cần đề xuất kế hoạch thực hiện từng nội dung này. Cần lưu tâm không những thứ tự các bước tiến hành (bước nào cung cấp dữ liệu, công cụ cho bước nào), mà còn quỹ thời gian được cân đối cho khối lượng công việc của từng bước. Nên nêu rõ kết quả cần đạt được của mỗi bước.
Tài liệu tham khảo. Chỉ được liệt kê các tài liệu đã trích dẫn trong đề cương. Nói chung, cần tránh sử dụng tài liệu tham khảo là các sách giáo khoa, giáo trình trừ khi bắt buộc phải lấy thông tin từ đó. Số lượng tài liệu tham khảo cho một đề cương cao học nên ít nhất là 10. Số lượng quá ít dẫn đến người đánh giá có thể cho rằng, hoặc tác giả không biết nghiên cứu của mình có mới không, có đóng góp gì cho kiến thức đã có không, hoặc không có ai quan tâm đến lĩnh vực này. Dù là lý do nào, cũng dẫn đến đánh giá cho rằng đề xuất nêu lên của đề cương là không đáng quan tâm nghiên cứu.