26/08/2019
Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn
1. Vài nét về lịch sử xuất hiện và phát triển lí luận cấu thành tội phạm Nghiên cứu lịch sử ra đời cho thấy lí luận cấu thành tội phạm (CTTP) xuất hiện từ thế kỉ thứ XVI, đầu tiên là ở các tòa án của nước Đức thời kì phong kiến, sau đó vào các thế kỉ XVIII-XIX vấn đề này được soạn thảo về mặt lí luận trong trường phái cổ điển của khoa học luật hình sự.
Khái niệm CTTP (theo tiếng Latinh cổ là “corpus delicti”) đã đóng vai trò tố tụng như là căn cứ đầy đủ cho việc xét xử vụ án hình sự tại tòa án để chứng minh sự hiện diện trong các hành vi của phạm nhân một CTTP. (1) Lí luận CTTP được phát triển trong khoa học luật hình sự Nga trước cách mạng vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX mà đặc biệt là CTTP đã được nghiên cứu rộng rãi và phát triển nhất trong khoa học luật hình sự Xô viết từ những năm 50 của thế kỉ XX và tiếp tục cho đến tận ngày nay.
2. Khái niệm cấu thành tội phạm
Việc nghiên cứu các quan điểm khác nhau về khái niệm CTTP cho thấy hiện nay trong khoa học luật hình sự, khái niệm CTTP vẫn còn được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Chẳng hạn như:
– Nhà hình sự học người Nga nổi tiếng trước Cách mạng tháng Mười – giáo sư viện sĩ Taganxev N.X phân biệt trong CTTP ba nhóm: a) Con người thực tế – kẻ phạm tội; b) Cái mà hành vi của bị cáo hướng tới – khách thể hoặc là đối tượng của sự xâm hại có tính chất tội phạm; c) Chính sự xâm hại có tính chất tội phạm, được xem xét từ mặt bên trong và bên ngoài. (2)
– Giáo sư Kixchiakôvxki A.O gọi CTTP là những dấu hiệu cần thiết chủ yếu mà thiếu chúng hoặc là thiếu một trong số chúng thì không thể có tội phạm và đó là bốn dấu hiệu: Chủ thể, khách thể, hoạt động bên trong, hoạt động bên ngoài của chủ thể và kết quả của hoạt động đó. (3)
– Vào đầu thế kỉ XX, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô Piôntkôvxki A.A đã coi khái niệm CTTP là các yếu tố cơ bản của tội phạm mà chúng đều có trong mỗi một tội phạm mà nếu như thiếu một trong số chúng thì dẫn đến sự thừa nhận là không có CTTP và các yếu tố này là: a) Chủ thể nhất định của tội phạm; b) Khách thể nhất định của tội phạm; c) Bản chất nhất định của mặt chủ quan trong cách xử sự; d) Bản chất nhất định của mặt khách quan trong cách xử sự của chủ thể của tội phạm. (4) Sau đó, vào những năm 70 của thế kỉ XX, viện sĩ này đã viết: Lí luận luật hình sự Xô viết coi CTTP là tổng hợp các dấu hiệu thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất định là tội phạm theo pháp luật hình sự Liên Xô. (5)
– Giáo sư Trainhin A.N quan niệm CTTP là tổng hợp tất cả những dấu hiệu (yếu tố) khách quan và chủ quan mà theo luật hình sự khẳng định một hành vi cụ thể nguy hiểm cho xã hội (bằng hành động hoặc không hành động) đối với nhà nước là tội phạm. (6)
– Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (LB Nga hiện nay) Kuđriavtxôv V.N coi CTTP là tổng hợp những dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội xác định nó, theo luật hình sự là tội phạm và bị xử phạt về hình sự. (7)
– Gần đây nhất, giáo sư Kuznhetxôva N.F đưa ra định nghĩa: “CTTP là hệ thống các yếu tố khách quan và chủ quan bắt buộc của hành vi tạo nên tính nguy hiểm cho xã hội của nó và được cấu trúc theo bốn tiểu hệ thống mà những dấu hiệu của chúng được ghi nhận trong các phần quy định của các quy phạm pháp luật hình sự của Phần chung và Phần riêng BLHS”. (8)
– Trong khoa học luật hình sự Việt Nam, về cơ bản, quan điểm được thừa nhận rộng rãi về khái niệm của CTTP là tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong pháp luật hình sự. (9)
Như vậy, trên cơ sở khái niệm tội phạm và phân tích khoa học lí luận CTTP đồng thời nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự về định tội danh, theo quan điểm của chúng tôi, có thể đưa ra định nghĩa khoa học của khái niệm CTTP như sau: CTTP là tổng hợp các dấu hiệu pháp lí (khách quan và chủ quan) do luật hình sự quy định thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm, tức là căn cứ vào các dấu hiệu đó một hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. Hay nói cách khác, một CTTP cụ thể là tổng hợp các dấu hiệu khách quan và chủ quan bắt buộc, mà bằng các dấu hiệu đó nhà làm luật quy định tại quy phạm của Phần các tội phạm BLHS tính chất tội phạm và tính chất bị xử phạt (hay còn gọi là tính chất bị xử lí về hình sự) của hành vi nguy hiểm cho xã hội tương ứng bị luật hình sự cấm đồng thời chỉ ra loại hình phạt nào và trong giới hạn nào nó có thể được toà án áp dụng đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm ấy.
3. Các đặc điểm của cấu thành tội phạm
4. Yếu tố của cấu thành tội phạm
1) Khách thể của tội phạm: Là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại có tính chất tội phạm nhưng bị tội phạm xâm hại đến và gây nên (hoặc có thể gây nên) thiệt hại đáng kể nhất định.
2) Mặt khách quan của tội phạm: Là mặt bên ngoài của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự, tức là sự thể hiện cách xử sự có tính chất tội phạm trong thực tế khách quan.
3) Chủ thể của tội phạm: Là người đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm, có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS theo luật định (ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể còn có một số dấu hiệu bổ sung đặc biệt do quy phạm pháp luật hình sự tương ứng quy định).
4) Mặt chủ quan của tội phạm: Là mặt bên trong của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự lỗi, tức là thái độ tâm lí của chủ thể được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị do mình thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó (lỗi).
5. Dấu hiệu của cấu thành tội phạm
Có thể định nghĩa dấu hiệu của CTTP là đặc điểm chung về mặt lập pháp của các thuộc tính điển hình và chủ yếu hơn cả, đặc trưng cho tội phạm đó. Nghiên cứu các quy định trong Phần riêng BLHS có thể nhận thấy rằng các dấu hiệu của CTTP có thể được phân chia thành hai nhóm: 1) Nhóm các dấu hiệu bắt buộc (là các dấu hiệu chung, đặc trưng cho tất cả các CTTP cụ thể); 2) Các dấu hiệu tùy nghi hay còn gọi là các dấu hiệu không bắt buộc (là các dấu hiệu riêng, đặc trưng không phải cho tất cả mà chỉ cho một số CTTP nhất định nào đó).
1) Khách thể của tội phạm có ba dấu hiệu: Một dấu hiệu bắt buộc là khách thể và hai dấu hiệu tuỳ nghi là đối tượng của tội phạm và người bị hại của tội phạm.
2) Mặt khách quan của tội phạm có chín dấu hiệu: Một dấu hiệu bắt buộc là hành vi nguy hiểm cho xã hội và tám dấu hiệu tuỳ nghi là hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả phạm tội, thời gian, không gian, địa điểm, hoàn cảnh (điều kiện), phương pháp (thủ đoạn), công cụ và phương tiện phạm tội.
3) Chủ thể của tội phạm có bốn dấu hiệu: Ba dấu hiệu bắt buộc là con người cụ thể, có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS và một dấu hiệu tuỳ nghi là các dấu hiệu bổ sung tương ứng đối với riêng chủ thể đặc biệt của tội phạm (như chức vụ, loại nghề nghiệp, giới tính…).
4) Mặt chủ quan của tội phạm có một dấu hiệu bắt buộc là lỗi và hai dấu hiệu tuỳ nghi là động cơ và mục đích phạm tội.
6. Phân loại các cấu thành tội phạm
1) Căn cứ vào tính chất và mức độ của sự nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm có thể phân chia các CTTP thành ba (bốn hoặc năm) loại sau: a) CTTP cơ bản là cấu thành có các dấu hiệu đặc trưng và bắt buộc chỉ của một tội phạm tương ứng mà sự phân biệt tội phạm đó với tội phạm khác được dựa trên các dấu hiệu ấy (các dấu hiệu định tội); b) CTTP giảm nhẹ là cấu thành mà ngoài các dấu hiệu của CTTP cơ bản ra còn có các dấu hiệu khác phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp (không đáng kể) của tội phạm nên có ý nghĩa làm giảm đi đáng kể mức độ TNHS của chủ thể; c) CTTP tăng nặng (đặc biệt tăng nặng) là cấu thành mà ngoài các dấu hiệu của CTTP cơ bản ra còn có các dấu hiệu khác phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao (rất cao) của tội phạm nên có ý nghĩa làm tăng lên đáng kể (rất đáng kể) mức độ TNHS của chủ thể.
2) Căn cứ vào cấu trúc của mặt khách quan của tội phạm có thể phân chia các CTTP thành hai loại sau: a) CTTP vật chất là cấu thành mà mặt khách quan của nó được pháp luật hình sự quy định bằng các dấu hiệu của hành vi phạm tội cũng như cả các dấu hiệu của hậu quả phạm tội nữa (tức là hậu quả nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp này được nhà làm luật coi là dấu hiệu bắt buộc của CTTP); b) CTTP hình thức là cấu thành mà mặt khách quan của nó được pháp luật hình sự quy định chỉ bằng các dấu hiệu của hành vi phạm tội.
3) Căn cứ vào cấu trúc của các yếu tố CTTP có thể phân chia các CTTP thành hai loại sau: a) CTTP đơn giản là cấu thành mà trong đó luật quy định chỉ một khách thể bị xâm hại, một loại hành vi (hậu quả) phạm tội và một hình thức lỗi; b) CTTP ghép (phức tạp) là cấu thành mà trong đó luật quy định nhiều khách thể bị xâm hại, nhiều hành vi (hậu quả) phạm tội và hai hình thức lỗi trong cùng một CTTP (ví dụ: Tội cố ý gây thương tích mà dẫn đến hậu quả chết người hoặc tội cướp tài sản mà dẫn đến hậu quả chết người…).
4) Căn cứ vào sự mô tả của các CTTP được quy định trong luật có thể phân chia các CTTP thành hai loại sau: a) CTTP với các dấu hiệu cụ thể (định lượng) là cấu thành mà trong phần quy định của quy phạm pháp luật hình sự tương ứng, các mức thiệt hại do tội phạm gây ra được xác định cụ thể (như một loạt các CTTP tại các điều 137-145, 153 -154, 156, 161, 165-166 BLHS năm 1999); b) CTTP với các dấu hiệu có tính chất đánh giá (định tính) là cấu thành mà trong phần quy định của quy phạm pháp luật hình sự tương ứng, các mức thiệt hại do tội phạm gây ra không được xác định cụ thể mà chỉ bằng các phạm trù có tính chất đánh giá.
7. Chức năng của cấu thành tội phạm
Có thể hiểu chức năng của CTTP là nhiệm vụ của từng CTTP cụ thể được quy định trong luật hình sự mà thông qua việc thực hiện nó (nhiệm vụ ấy), vai trò của CTTP tương ứng được thể hiện trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự. Từ trước đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào trong khoa học luật hình sự Việt Nam đề cập việc phân tích các chức năng của CTTP. Còn trong khoa học luật hình sự Liên Xô, theo quan điểm hoàn toàn đúng đắn và đảm bảo sức thuyết phục của GS.TSKH. Tkeseliađze G.T – trưởng bộ môn luật hình sự và tội phạm học Trường đại học tổng hợp quốc gia Tbilisi (nước Cộng hòa Gruzia thuộc Liên Xô – SNG hiện nay) thì CTTP có ba chức năng chính như sau: (10)
1) Chức năng nền tảng: Khi các cơ quan tư pháp hình sự coi căn cứ cần và đủ để truy cứu TNHS một người chính là sự hiện diện trong hành vi nguy hiểm cho xã hội mà người đó thực hiện có chứa tất cả các dấu hiệu của một CTTP cụ thể do pháp luật hình sự quy định;
2) Chức năng phân biệt: Việc mô tả một cách chính xác trong phần quy định của các quy phạm tại Phần riêng BLHS các dấu hiệu của CTTP sẽ đảm bảo cho sự phân biệt đúng tội phạm này với tội phạm kia cũng như khung hình phạt này với khung hình phạt kia và từ đó sẽ giúp cho tòa án lựa chọn các biện pháp pháp lí hình sự phù hợp với người phạm tội;
3) Chức năng đảm bảo: Nếu trong hành vi của một người không có đủ tất các các dấu hiệu của một CTTP tương ứng do luật hình sự quy định thì người đó không phải chịu TNHS và hình phạt.
8. Vai trò của cấu thành tội phạm
1) CTTP là một trong những điều kiện chung và quan trọng nhất để định tội danh chính xác. Nếu như trong hành vi nguy hiểm cho xã hội không có đầy đủ các dấu hiệu của một CTTP nào đó được quy định trong pháp luật hình sự thực định thì không thể đặt ra việc định tội danh.
3) CTTP là cơ sở pháp lí cần và đủ để truy cứu TNHS người phạm tội, vì nguyên tắc là: “Nullum crimen sine lege” nhưng khi hành vi nguy hiểm cho xã hội của chủ thể có đầy đủ các dấu hiệu của một CTTP tương ứng nào đó được quy định trong BLHS thì có nghĩa là đã có tội phạm được thực hiện và các cơ quan tư pháp hình sự đã có đầy đủ cơ sở pháp lí để truy cứu TNHS người phạm tội.
4) CTTP là căn cứ để tòa án lựa chọn đúng loại và mức hình phạt đối với người bị kết án, vì nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội không có đầy đủ các dấu hiệu của một CTTP cụ thể (như: CTTP cơ bản, CTTP tăng nặng, CTTP đặc biệt tăng nặng hoặc CTTP giảm nhẹ) mà trong đó ghi nhận khung hình phạt tương ứng (với loại và mức cụ thể) tại một điều (hoặc khoản của một điều) trong Phần các tội phạm BLHS thì tòa án cũng không thể có căn cứ để lựa chọn loại và mức hình phạt để áp dụng đối với người bị kết án.
9. Cấu thành tội phạm – cơ sở khoa học của việc định tội danh
Với vai trò của CTTP thể hiện ở bình diện thứ nhất nêu trên, thiết tưởng cũng cần phải phân tích để đi đến kết luận một cách chính xác, khách quan, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục về vai trò của CTTP đối với quá trình định tội danh ra sao – thử phân tích xem CTTP có đúng là “cơ sở pháp lí duy nhất” hay chỉ là cơ sở khoa học của việc định tội danh (?). Để làm sáng tỏ vấn đề này thì sự phân tích của chúng ta nhất thiết phải căn cứ vào đồng thời cả ba lĩnh vực sinh hoạt (thể hiện) được thừa nhận chung của luật hình sự đó là: Lập pháp, lí luận (hay còn gọi là khoa học) và thực tiễn xét xử. Cụ thể là:
1) Về mặt lập pháp, nếu quan niệm CTTP là “cơ sở pháp lí duy nhất” của việc định tội danh thì có nghĩa là vô hình trung đã thừa nhận không phải BLHS – sản phẩm của nhà làm luật – “một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” (như Lời nói đầu của BLHS Việt Nam năm 1999 hiện hành) mà lại chính là CTTP – một khái niệm khoa học và là sự trừu tượng về mặt pháp lí được dùng làm “cơ sở pháp lí duy nhất” trong quá trình định tội danh đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể được thực hiện trong thực tế khách quan (!). Có lẽ nhà làm luật Việt Nam cùng với các cán bộ thực tiễn trong hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật hình sự của nước ta (kể cả trước và sau khi pháp điển hóa) khó mà có thể đồng ý với quan niệm này.
2) Về mặt lí luận, CTTP do các nhà lí luận hình sự soạn thảo và nghĩ ra như là một khái niệm khoa học và là sự trừu tượng về mặt pháp lí (chứ hoàn toàn không phải là các quy định của BLHS do nhà làm luật ban hành để các cơ quan tư pháp hình sự lấy làm cơ sở pháp lí duy nhất trong quá trình định tội danh). Vì vậy, đương nhiên là một khái niệm khoa học với các phạm trù lí luận chung nhất cho tất cả các tội phạm (như khách thể, mặt khách quan…) chứ không phải là các quy phạm pháp luật hình sự thì không phải và không thể là “căn cứ pháp lí duy nhất” cho việc định tội danh đối với một hành vi cụ thể nào đó được thực hiện trong thực tế khách quan.
Chú thích :
(1), (8).Xem: Kuznhetxôva N.F. “Cấu thành tội phạm”. Chương VI – Giáo trình luật hình sự (gồm 5 tập). Tập 1. Phần chung. “Lí luận về tội phạm” (tập thể tác giả do GS.TSKH. N.F.Kuznhetxôva và PTS luật, PGS I.M. Tiakôva chủ biên), Nxb. Zartxalô. Maxcơva, 2002, tr.166; 72 (tiếng Nga);
(2). Xem: Taganxev N.X. “Luật hình sự Nga”. Các bài giảng. Phần chung. Tập 1, Nxb. Khoa học. Maxcơva, 1994, tr.142 (tiếng Nga).
(3).Xem: Kixchiakôvxki A.O. “Giáo trình tối thiểu về luật hình sự chung”. Phần chung. Xant-Pêtecbua, 1875, tr. 59 (tiếng Nga).
(4).Xem: Piôntkôvxki A.A. “Luật hình sự Xô viết”, Phần chung. Tập I. Maxcơva-Lêningrađ, 1928, tr.241 (tiếng Nga).
(5).Xem: Piôntkôvxki A.A. “Giáo trình luật hình sự Xôviết” gồm sáu tập. Tập II. Tội phạm, Nxb. Khoa học. Maxcơva, 1970, tr.89.
(6).Xem: Trainhin A.N. “Lí luận chung về cấu thành tội phạm”, Nxb. Sách pháp lí. Maxcơva, tr.59-60 (tiếng Nga).
(7).Xem: Kuđriavtxev A.N. “Lí luận chung về định tội danh”. Maxcơva, 1999, tr.58 (tiếng Nga).
(9).Xem: chúng tôi Nguyễn Ngọc Hòa. “Cấu thành tội phạm”. Chương IV Giáo trình luật hình sự Việt Nam của Trường đại học luật Hà Nội (tập thể tác giả do – chúng tôi Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên), Nxb. Công an nhân dân. Hà Nội, 2003, tr.51; – chúng tôi Kiều Đình Thụ. “Cấu thành tội phạm”. Chương VII Giáo trình luật hình sự Việt Nam của Khoa luật trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội (tập thể tác giả do TSKH. Lê Cảm chủ biên), Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2001.
(10).Xem: Tkeseliađze G.T. “Thực tiễn xét xử và đạo luật hình sự”, Nxb. Khoa học. Tbilisi, 1975, tr.46 (tiếng Nga).
TS. Lê Cảm – Theo : Tạp chí Luật học số 02 (2004)