* Có thể bạn đang quan tâm: có nên cho trẻ ăn yến sào – bé mấy tháng ngồi xe tập đi
Cách lấy ráy tai cho trẻ sơ sinh
Ráy tai là gì?
Ráy tai là gì? Từ “ráy tai” nghe nhiều nhưng chắc hẳn không phải ai cũng biết được nguồn gốc của ráy tai hay ráy tai là gì. Ráy tai được hình thành từ những chất do các tuyến trong ống tai tiết ra (như mồ hôi, bã nhờn và tế bào chết). Ráy tai thường có 3 dạng: ráy tai ướt, ráy tai khô và ráy tai cứng.
Có thể bạn chưa biết rằng ráy tai giữ vai trò quan trọng giúp đôi tai khoẻ mạnh, bảo vệ cho ống tai khỏi bị tổn thương và nhiễm trùng. Ráy tai là chất sáp giúp chống nhiễm trùng, làm ẩm và bôi trơn cho ống tai, đồng thời ngăn cản bụi bẩn.
Có nên lấy ráy tai cho bé?
Bình thường thì chúng ta không cần lấy ráy tai, chất sáp này sẽ tự thoát ra khỏi tai, mang theo những chất bẩn kết bên trong nó. Nhiều cha mẹ sai lầm khi dùng tăm bông hoặc đầu kẹp tăm để làm sạch ráy tai, nhưng lại càng khiến ráy tai bị đẩy sâu vào trong, gây nguy cơ tổn thương tai. Thực ra đơn giản các mẹ chỉ cần dùng khăn sạch lau trong tai cho trẻ, ráy tai sẽ tự thoát ra ngoài.
Tuy nhiên, một số trường hợp hẹp ống tai, hoặc có sự bài tiết quá mức do rối loạn bài tiết các tuyến ở ống tai, do phản ứng với chấn thương, nhiễm trùng hoặc do chính bạn vệ sinh tai không đúng cách như dùng que gòn lau chùi ống tai nhưng lại vô tình đẩy ráy tai càng lúc càng sâu hơn, ráy tai sẽ tích tụ nhiều, không được đẩy ra ngoài theo cách tự nhiên tạo nên nút ráy tai. Trường hợp này cần phải được lấy ráy tai để tránh cảm giác nặng (đầy) tai hoặc nhiễm trùng gây đau và ngứa ống tai hoặc gây giảm thính lực tạm thời do tắc nghẽn hoàn toàn 2 bên ống tai. Đặc biệt, với những bé chưa biết nói, nút ráy tai cũng làm cho bé khó khăn khi phát âm một số âm trầm do khó nghe những âm này, do đó việc loại trừ nút ráy cũng rất cần thiết.
Để đảm bảo an toàn cho bé, cha mẹ không nên tự lấy ráy tai cho con tại nhà mà nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để lấy ráy cho bé, tránh những rủi ro có thể xảy ra như rách ống tai ngoài, rách màng nhĩ thậm chí một số trường hợp nặng nề gây tổn thương cả mê nhĩ ở tai trong và não.
Cách vệ sinh, lấy ráy tai an toàn cho trẻ
Đối với những trẻ dưới 36 tháng tuổi
Hàng ngày cha mẹ dùng khăn mềm thấm một chút nước ấm lau nhẹ vành tai bên ngoài của bé.
Đối với những trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên
Cần vệ sinh bên ngoài vành tai kết hợp đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ vệ sinh tai một cách an toàn khi bé bị đóng ráy tai quá nhiều.
Cha mẹ có thể lấy ráy tai tại nhà cho trẻ bằng cách dùng dung dịch clorua natri 0,9% (nước muối sinh lý) để nhỏ vào tai cho bé nhiều lần trong ngày, thường là từ 3 – 5 lần hoặc hơn nếu có thể, mỗi lần từ 10 – 20 giọt để cho nút ráy tai được thấm nhiều nước muối và dần sẽ mềm đi, rã ra. Sau đó theo dõi từ 5 – 7 ngày, nếu ráy tai chỉ mềm đi mà không rã ra thì các ba mẹ nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để lấy hoặc hút ra. Nếu ráy tai rã nhiều, các ba mẹ tiếp tục nhỏ nước muối sinh lý 5 – 7 ngày nữa cho đến khi ráy tai rã hết và được đẩy ra khỏi ống tai. Nếu thực hiện theo cách này mà không hiệu quả, bạn nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng để khám và lấy ráy tai cho bé.
Khi đưa trẻ đến bác sĩ nếu trẻ có quá nhiều ráy tai thì cha mẹ bé sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách làm sạch tai trẻ bằng dầu ôliu hoặc dầu khoáng dành cho em bé. Mỗi bác sĩ có thể gợi ý hơi khác nhau, nhưng cách thông thường nhất là bạn cho trẻ nằm nghiêng, tai cần làm sạch hướng lên trên, nhỏ một vài giọt dầu vào tai trẻ, một ngày nhỏ vài lần.
Bác sĩ cũng có thể rửa tai cho trẻ bằng ống tiêm bơm nước. Cách này làm sạch rất hiệu quả, nhưng thường không được áp dụng đối với trẻ nhỏ. Nếu ống tai trẻ vẫn tiếp tục bị tắc nghẽn, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến gặp chuyên gia để tiến hành giải quyết triệt để bằng thiết bị hiển vi đặc biệt.
Dùng dầu ôliu lấy ráy tai cho trẻ cũng khá hiệu quả, sang ngày thứ 3, những khối sáp cứng sẽ bắt đầu rơi ra khỏi tai trẻ. Bé lập tức nghe rõ trở lại và bạn không cần vặn âm lượng TV quá to nữa.
Lưu ý: Cha mẹ bé không được dùng ngón tay để lấy ráy tai cho trẻ. Cha mẹ cũng không được dùng tăm bông hay vật dụng nhọn, cứng để lấy ráy tai cho bé vì việc này có thể đẩy ráy tai vào sâu bên trong ống tai, gây tích tụ ráy tai hay đóng thành nút ráy tai lấp phía trước màng nhĩ, ảnh hưởng đến khả năng nghe của bé. Ngoài ra, có thể gây thủng màng nhĩ, nhiễm trùng tai, để lại sẹo, thậm chí bị điếc.
Có nên mua bộ lấy ráy tai để lấy ráy tai cho bé?
Hiện nay, tại các nhà thuốc có bán nhiều loại sản phẩm làm sạch ráy tai cho trẻ như chai nhỏ giọt có thành phần từ carbamide peroxide, dầu đậu phộng và dầu ôliu, cùng những dụng cụ đặc biệt để lấy ráy tai. Tuy nhiên, cha mẹ bé không nhất thiết phải dùng những sản phẩm đó, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Bài viết giúp các bạn giải đáp thắc mắc có nên lấy ráy tai cho trẻ sơ sinh hay không cũng như hướng dẫn các mẹ cách lấy ráy tai cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh một cách an toàn nhất. Bài viết cũng cung cấp cho cha mẹ những kinh nghiệm hữu ích trong việc chăm sóc trẻ, đảm bảo trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt.