Mình có đọc trên tạp chí President số tháng 8/2019 về bác sĩ Mizuno Takashi, 64 tuổi, tốt nghiệp Đại học Kanazawa hiện đang làm việc tại Bệnh viện trung ương thành phố Towada. Điều đặc biệt là bác sĩ Mizuno bắt đầu học ôn thi đại học từ năm 50 tuổi, thi đỗ đại học năm 54 tuổi, học đại học 6 năm và bắt đầu là bác sĩ từ năm 60 tuổi. Bác ấy chia sẻ rất cụ thể về phương pháp học của bác ấy trong thời gian ôn thi và trong thời gian học đại học, mình thấy rất đáng học hỏi nên ghi lại ở đây.
Bác Mizuno vừa đi làm vừa học ôn thi từ năm 50 tuổi. Lúc này bác làm ở Bộ Nông lâm thuỷ sản, hàng ngày làm tới 22h về tới nhà, 11h đi ngủ và sáng thức dậy 3h học tới 7h. Từ 3h-4h bác khoanh vùng phạm vi muốn học, tóm lược nội dung phạm vi ấy rồi viết ra giấy. Sau đó đọc lại nội dung đó và ghi âm lại. Đọc chậm và rõ ràng. Không phải là đọc nội dung của sách mà phải tự mình hiểu, tự mình diễn đạt. Từ 4h-5h bác đi tập thể dục, vừa đi bác vừa nghe lại phần đã ghi âm với tốc độ x1.5 lần tốc độ đã lưu. 5h bác tới công viên sẽ ngồi ghế ở công viên sẽ mở sách học sang nội dung của bài ngày hôm sau tới 6h. 6h bác đi bộ về nhà và nghe lại nội dung ghi âm với tốc độ x2 lần tốc độ đã ghi. Về tới nhà lúc 7h bác sẽ tranh thủ ngủ 10 phút, buổi trưa bác ngủ thêm 15 ở cơ quan. Bác ngủ 4-5 tiếng 1 ngày theo Phương pháp ngủ phân đoạn ( mình sẽ tìm hiểu phương pháp này và chia sẻ sau ). Giờ mình mới hiểu vì sao ở bên Nhật thấy nhiều người cầm theo máy ghi âm như vậy. Phương pháp ghi âm là quá trình lặp đi lặp lại Input & Output trong các vùng khác nhau của não, khiến ta nhớ lâu hơn. Nếu các bạn muốn thì thì có thể thử bằng iPhone hoặc mua máy ghi âm, 3 hãng máy ghi âm cầm tay nổi tiếng nhất ở Nhật là Sony, Panasonic và Olympus. Giá máy từ 1tr -3tr.
Học bằng Sổ ghi nhớ Midori
Sổ ghi nhớ Midori là sổ có bảng nhựa plastic đỏ đi kèm. Bác chuyển sang học bằng phương pháp này khi học đại học. Khi tóm lược những nội dung chính của bài học vào sổ tay. Những phần quan trọng bác ghi lại bằng bút màu đỏ, sau đó dùng bảng nhựa đỏ che lại để học. Video clip giới thiệu về cuốn sổ này mình để đấy. Đây là phương pháp học mình thấy hầu hết các bạn mình ở đại học đều dùng, phổ biến ngang với dùng thẻ flashcard.
Mình năm nay 31 tuổi, làm Marketing, nhưng nhiều lúc nghĩ tại sao hồi đó mình không học sinh học. Học làm bác sĩ để giúp đỡ mọi người xung quanh. Mỗi lúc con có biểu hiện khác thường đều phải tìm ai đó làm bác sĩ để hỏi. Rồi lại tặc lưỡi nói, có học sinh học để thi đại học thì cũng chẳng có tiền để học Y, trường Y ở bên này rất đắt. Rồi lại nghĩ…đời người có khi một lựa chọn trường ở tuổi chưa chín đấy mà ảnh hưởng suốt thời gian còn lại. Đọc bài viết về bác ấy, mình nghĩ lại. Tại sao mình đặt giới hạn cho bản thân mình sớm quá vậy, mình còn trẻ hơn bác ấy tới 20 tuổi, cứ sống và làm như mình 20 ấy, không cần đặt cho mình một giới hạn nào cả. Bác ấy nói, làm bác sĩ rất vất vả, hầu như không có thời gian, không có tiệc tùng bia rượu nữa. Nhưng có thể giúp đỡ nhiều người bệnh là niềm hạnh phúc nhất đối với bác ấy. ” Thật may vì tôi đã quyết định học ôn thi ở thời điểm đó !”