Tôi đã quá mệt mỏi khi làm mẹ đơn thân, nhưng cũng rất lo lắng khi con gái mới lớn sẽ ở cùng cha dượng. Liệu tôi có nên đi bước nữa hay ở vậy nuôi con?
Chào Kỳ Trinh và Tuổi 30! Tôi rất mong nhận được tư vấn tình cảm của chị trong câu chuyện của mình. Tôi năm nay 39 tuổi và đang làm mẹ đơn thân. Con gái tôi 14 tuổi, đang học lớp 9. 14 năm tuổi của con gái cũng là 14 năm tôi ly hôn chồng. Và bây giờ tôi đang đứng trước một quyết định khó khăn, liệu có nên đi bước nữa không, gửi con cho chồng cũ, hay cứ ở vậy nuôi con?
Tôi là dân tỉnh lẻ, lên Hà Nội học tập và làm việc. Tôi quen anh, một chàng trai Hà Nội. Hồi đó cứ nghĩ yêu và lấy được một người Hà Nội, có nhà ở Thủ Đô là may mắn vì dường như đó là ước mơ của mọi cô gái.
Nhưng bi kịch của tôi bắt đầu từ sau ngày cưới. Do còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, chỉ biết yêu và yêu, nên tôi không mảy may tìm hiểu về gia đình anh. Tôi không biết rằng bên trong con người hào hoa ấy là một sự phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Mẹ anh kinh doanh nhỏ, lại có vài phòng trọ cho thuê, nhà không giàu nhưng cũng chẳng bao giờ thiếu tiền. Anh hoàn toàn thụ động từ việc kiếm tiền cho đến các việc vặt trong nhà, đến mức tôi cảm giác anh gần như không có khả năng sống độc lập.
Anh không có tiếng nói trước mẹ, nên không thể bảo vệ được tôi. Mẹ chồng tôi quá ghê gớm. Việc tôi là một đứa con gái tỉnh lẻ được bước chân vào nhà anh mẹ anh xem như là phúc bảy mươi đời nhà tôi mới có được. Bà tin rằng tôi đã dùng sự khôn ngoan và tham vọng như bao đứa con gái nhà quê nghèo khác để vào được nhà anh.
Chính vì vậy bà quyết tâm trị tôi với mục đích sẽ không có tôi có cơ hội tác oai tác quái trong nhà bà.
Cảm thấy bị o ép quá nhiều, tôi đã vùng lên. Bây giờ, ở tuổi này nhìn lại, tôi thấy rằng có lẽ tôi đã quá nông nổi, lấy chồng cũng nông nổi và ra đi cũng rất nông nổi. Nếu tôi đừng quá tự ái, tôi có thể cảm hóa mẹ chồng bằng bản lĩnh và sự chân thành của mình thì mọi việc đã khác.
Dĩ nhiên khi tôi vừa bước chân vào nhà bà, việc bà chưa tin tưởng tôi cũng là điều dễ hiểu. Tôi chưa thể hiện, chưa cố gắng khiến bà hiểu mình hơn đã đùng đùng bỏ đi, đó là điều không nên.
Nhưng dù sao thì tôi cũng đã quyết tâm ly hôn vì mẹ chồng, bế con ra đi, khi ấy bé mới 2 tháng tuổi.
Tôi ôm con về nhà ngoại ở một thời gian, rồi đưa con lên Hà Nội tìm việc và gửi con để đi làm. Làm mẹ đơn thân thật không đơn giản. 14 năm qua, tôi luôn phải gồng mình lên để lo cho cuộc sống của hai mẹ con.
Có những hôm, tôi mệt đến mức không thể nhấc nổi người để đi làm. Tôi ước giá như mình có thể nằm luôn tại chỗ lấy một ngày thôi cũng được. Nhưng rồi lại thấy trước mắt, nếu tôi không đi làm, tiền đâu để ăn, tiền đâu để đóng học cho con, tiền đâu để đóng tiền nhà, tiền điện… và tôi lại vật vã đứng dậy mà đi.
Mười bốn năm qua, mẹ con tôi vẫn nay đây mai đó với những căn phòng trọ không cố định. Tôi không thể về quê vì bố mẹ đã mất hết. Đất tổ tiên giao lại cho các anh. Tôi không còn chỗ để về. Tôi cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu, vì với 10 triệu lương mỗi tháng, tôi đã phải cố lắm để chi tiêu đủ cho hai mẹ con.
Con gái tôi chưa bao giờ dám dẫn bạn về và cũng không dám nói thật rằng hai mẹ con tôi đang phải ở trọ.
Suốt thời gian qua, rất nhiều người đàn ông đến với tôi, cũng có người đề nghị cưới tôi và rước hai mẹ con tôi về. Nhưng nghĩ đến con gái, tôi lại chùn chân và không bao giờ phải day dứt, băn khoăn có nên đi bước nữa không?
Con gái tôi sắp vào lớp 10, chẳng bao lâu nữa cháu sẽ trưởng thành, rồi lấy chồng. Dạo này tôi hay suy nghĩ vẩn vơ. Tôi thực sự lo lắng đến viễn cảnh, khi con theo chồng, một mình tôi vật lộn với cuộc sống, đối mặt với căn phòng trọ không phải của mình. Rồi khi đau ốm hay không còn sức lao động, tôi biết nhờ vào ai? Tôi cảm thấy quá mệt mỏi, thực sự mệt mỏi quá rồi.
Gần đây, con trai ông chủ nhà nơi tôi đang ở trọ thích tôi và ngỏ ý muốn cưới tôi. Ông bà chủ cũng rất thích tôi và cố gắng vun vén. Anh ở nhà kế bên nhà ông chủ, cũng có vài phòng trọ cho thuê. Anh ly hôn vợ đã nhiều năm và hiện sống một mình. Ngoài việc thỉnh thoảng ngồi quán nước ghi vài con đề, tôi thấy anh sống cũng khá vui vẻ, hòa nhã và không có điều tiếng gì về việc nợ nần hay ăn chơi, phá phách.
Anh cũng nói rằng hiện giờ anh cần một người vợ hiểu anh, có thể chia sẻ với anh và cùng nhau sống vui vẻ với tuổi già.
Dẫu vậy, tôi không thể gật đầu đồng ý vì nghĩ đến con gái. Tôi không cố ý nghĩ xấu về con người anh. Nhưng con gái tôi đang ở tuổi mới lớn, nở nang, xinh đẹp lại thơ ngây. Tôi không đủ tự tin để cháu sống chung với một người cha không cùng huyết thống, ở nhà cả ngày trong khi tôi đi làm cả ngày.
Sau khi ly hôn một năm, chồng cũ của tôi lấy vợ, song vợ chồng anh không có con. Dù ít chu cấp cho bé nhưng anh thường xuyên đón con gái về chơi và chăm sóc rất tận tình. Bây giờ, anh ngỏ ý muốn đón hẳn con về nhà để bé có một tương lai tốt hơn. Anh cũng khuyên tôi cố gắng tìm một người tốt để nương tựa.
Những gì đang diễn ra khiến tôi thực sự băn khoăn. 14 năm qua, tôi và con gái ở bên nhau, sướng khổ, vui buồn có nhau. Tôi vì con mà hi sinh cả tuổi trẻ. Con cũng yêu thương tôi vô bờ bến nên không đòi hỏi cái gì. Dù ở với bố điều kiện đầy đủ, nhưng con không bao giờ ở đó qua đêm vì nhớ mẹ.
Tôi không biết phải làm gì lúc này. Kỳ Trinh ơi, tôi thực sự rối quá, xin chị chia sẻ và cho tôi lời khyên. Tôi có nên gửi con cho chồng cũ để lấy chồng? Tôi có nên đi bước nữa không hay cứ ở vậy cho có mẹ có con, mặc kệ ngày mai ra sao thì ra?
Hương Trả lời
Chị Hương thân mến. Kỳ Trinh rất thông cảm với hoàn cảnh làm mẹ đơn thân của chị và thực sự cảm động trước tình thương, trách nhiệm mà chị dành cho con gái.
Chị đã trải qua 14 năm vô cùng vất vả. Chị thực sự rất kiên cường. Tôi tin con gái chị sẽ cảm nhận được tấm lòng của chị và mai này dù đi bất kỳ đâu bé sẽ luôn nghĩ về mẹ.
Đúng là câu hỏi mẹ đơn thân có nên đi bước nữa không là băn khoăn, trăn trở của hầu hết phụ nữ không may đứt gánh giữa đường chứ không phải riêng chị.
Khi bước chân khỏi nhà chồng và quyết định làm mẹ đơn thân, có lẽ chị đã rất vững vàng với suy nghĩ: Ở vậy nuôi con, không đi bước nữa. Do đó, chị có thể dễ dàng từ chối lời cầu hôn của nhiều người đàn ông mà không phải đắn đo.
Như bây giờ thì khác, chị cảm thấy mình ngày càng lớn tuổi, con gái cũng ngày càng trưởng thành, trong khi đó, hai mẹ con vẫn chưa có một chỗ ở ổn định, vẫn còn “bơ vơ” trên đất Hà thành và tương lai nhiều năm sau có lẽ vẫn vậy.
Bây giờ chỉ còn cách duy nhất thoát khỏi cảnh này, đó là chị đi bước nữa, con gái hoặc theo chị, hoặc theo bố, như vậy hai mẹ con sẽ có chỗ dựa để nương nhờ. Do đó câu hỏi mẹ đơn thân có nên đi bước nữa không trở nên thường trực hơn trong suy nghĩ của chị.
Theo tôi, những lo lắng, trăn trở của chị là hoàn toàn hợp lý. Chúng ta không thể tự mình thay đổi hoàn cảnh, thì cũng cần phải tận dụng những điệu kiện, cơ hội tốt để tạo dựng một tương lai khá hơn trước khi quá muộn.
Điều khiến chị không thể quyết định dứt khoát trước câu hỏi có nên đi bước nữa không là vì tình thương và trách nhiệm với con gái. Chị không đủ tự tin để đưa con gái mới lớn của mình sống cùng cha dượng, nhưng cũng không đành lòng gửi con cho chồng cũ để đi bước nữa.
Tôi nghĩ, điều chị cần làm nhất lúc này là nói chuyện với con gái, lắng nghe những suy nghĩ, mong muốn của con.
Đồng thời cũng kể cho cháu về một người đàn ông muốn rước hai mẹ con về sống chung, và bố bé lại muốn đón con về ở hẳn.
Nếu bé muốn sang ở cùng bố, chị có thể chiều theo mong muốn của cháu và cuối tuần đón cháu về để chăm sóc. Còn nếu cháu không muốn xa mẹ, tôi nghĩ vẫn có cách để trọn vẹn đôi đường.
Trong suốt quá trình chung sống, chị nên thường xuyên tâm sự, lắng nghe tâm tư của con gái. Quan tâm đến cháu nhiều hơn để cháu không cảm thấy bản thân mình bị bỏ rơi, cũng như kịp thời phát hiện những điều không hay nếu có. Chỉ vài năm nữa, cháu đủ tuổi trưởng thành, chị sẽ không còn phải lo lắng quá nhiều đến những chuyện thầm kín như hiện nay nữa.
Cuối cùng tôi muốn chia sẻ về người đàn ông chị sẽ kết hôn. Những giải pháp chúng ta vừa nói trên là rất tế nhị, nó chỉ nên là một sự cẩn thận, nhằm tránh những sai lầm có thể xảy ra do điều kiện thuận lợi khi người đàn ông và cháu bé không cùng huyết thống sống chung nhà mà thôi. Hãy đảm bảo rằng chắc chắn đó không phải là nỗi lo lắng thường trực của chị vì không đủ niềm tin ở người đàn ông này.
Nếu chị vẫn chưa đủ niềm tin ở anh ấy, vẫn lo lắng có thể anh ta sẽ làm gì không hay phía sau chị, tôi nghĩ chị cũng không cần phải vội vàng. Chị có thể gửi con gái về với bố cháu thường xuyên hơn để cháu được hưởng nhiều hơn các điều kiện của gia đình anh ấy, đồng thời có thêm thời gian để tìm hiểu người đàn ông mới.
Bên cạnh đó, chị hãy cứ làm việc và tìm niềm vui với những gì mình đang có, đừng quá băn khoăn với câu hỏi mẹ đơn thân có nên đi bước nữa không như trong trường hợp của mình.
Chúng ta không ai biết trước được tương lai. Nếu chuẩn bị cho tương lai bằng một quyết định vội vàng do sợ hãi, thì rất có thể đó lại là một sai lầm không thể cứu vãn.
Mọi tâm sự muốn chia sẻ cùng Kỳ Trinh xin gửi về hòm thư contacttuoi30@gmail.com